Nội thất làm từ gỗ công nghiệp liệu có bền? Gỗ công nghiệp là gì? Làm thế nào để phân biệt được các loại gỗ hiện nay trên thị trường? Simie sẽ giúp bạn trả lời tất cả các câu hỏi này. Cùng tìm hiểu kỹ nếu như bạn đang có nhu cầu sử dụng nội thất từ gỗ công nghiệp nhé! 

Gỗ công nghiệp là gì? Có bao nhiêu loại? 

Gỗ công nghiệp là tên gọi để dùng phân biệt với gỗ tự nhiên, đây cũng là vật liệu đang được sử dụng phổ biến trong thi công nội thất. Nếu gỗ tự nhiên là gỗ được lấy từ thân cây gỗ thì gỗ công nghiệp được làm từ các bộ phận khác của cây, phổ biến là ngọn cành. Gỗ sẽ được nghiền, kết hợp với các loại hoá chất, keo để sản xuất ra một tấm gỗ lớn. 

Có rất nhiều dòng gỗ công nghiệp trên thị trường và được phân loại chủ yếu trên 2 thành phần của gỗ: cốt gỗ và lớp phủ bề mặt. 

Trong phần tiếp theo của bài viết, Simie sẽ giải thích kỹ hơn về các loại cốt gỗ và các đặc điểm cơ bản để nhận biết. 

Phân loại và đặc điểm nhận biết 

1. Gỗ MFC – cốt ván dăm 

Nếu tấm gỗ chưa được dán cạnh, bạn có thể nhận biết MFC vì cốt gỗ có nhiều dăm gỗ,  không mịn, nhận thấy bằng mắt thường. 

Cốt gỗ của MFC được tạo thành từ các nhánh, cành, thân cây của gỗ rừng trồng. Sau đó, được đưa vào máy nghiền, trộn với keo, ép thành tấm ván với nhiều kích thước khác nhau. Phổ biến nhất là 1m2x2m4, độ dày từ 9 – 25cm. Riêng phần cốt ván dăm này cũng phân thành nhiều loại là cốt xanh chịu ẩm, cốt trắng, đen…

2. Gỗ MDF – cốt gỗ mịn 

Vẫn là gỗ từ các cành, nhánh cây nhưng được đưa vào máy nghiền nát thành bột mịn, sau đó trộn với keo để ép thành tấm ván với độ dày khác nhau. Bề mặt tấm ván bằng và nhẵn hơn nhiều so với MFC. Do công nghệ sử dụng phức tạp hơn nên gỗ MDF có giá trị cao hơn so với MFC. Chính vì vậy, MDF được sử dụng rất phổ biến khi cho các sản phẩm nội thất trong nhà cũng như ngoài trời, tuỳ vào bề mặt. 

Hiện nay trên thị trường có 4 loại gỗ MDF, gồm: 

  • MDF dùng cho các sản phẩm nội thất trong nhà 
  • MDF kháng nước 
  • MDF mặt trơn, có thể sơn ngay mà không xử lý bề mặt 
  • MDF không trơn, phủ Veneer 

Do độ bám sơn cao nên MDF được dùng nhiều cho các sản phẩm nội thất, dễ gia công, chống được ẩm, giá thành tốt hơn so với dùng gỗ tự nhiên. 

3. Gỗ HDF – 80% từ gỗ tự nhiên 

HDF được tạo thành từ 80% là gỗ rừng trồng nguyên khối, gỗ được sấy khô trong nhiệt độ cao để lấy hết nước và nhựa. Bột gỗ sau khi xử lý xong sẽ kết hợp với các chất phụ gia khác, làm tăng độ cứng của gỗ. Các chất này cũng chống được mối mọt. 

HDF sau khi xử lý xong sẽ được ép dưới áp suất cao thành tấm gỗ có kích thước 2mx2m4. Cũng như MDF, HDF có rất nhiều màu sơn phù hợp với nhu cầu, sở thích. Cốt gỗ chắc chắn nên khả năng chống ẩm tốt hơn MDF. 

4. Gỗ dán 

Gỗ dán là dòng gỗ được làm từ gỗ tự nhiên, được cắt thành từng tấm, độ dày phổ biến là 1mm. Các lớp gỗ này sau đó được ép lại đan xen với nhau nhờ chất kết dính. Loại gỗ này không bị nứt và mối mọt tuy nhiên, trong điều kiện hanh khô, gỗ dễ bị co ngót, vênh. Để hạn chế điều này, khi sản xuất, từng tấm gỗ được sắp xếp vân ngang, dọc, không đều, hạn chế về mặt thẩm mỹ so với gỗ MDF chống ẩm. 

Như vậy, gỗ công nghiệp được phân loại chủ yếu dựa vào đặc tính cốt gỗ. Cốt gỗ của tất cả các loại hiện nay để giữ được độ bền, đẹp cần có một lớp phủ bề mặt.  Phổ biến nhất là lớp phủ Melamine, Laminate, Veneer, Vinyl. Trong đó, Melamine được sử dụng nhiều để phủ bề mặt gỗ MDF, MFC, gam màu đa dạng, chống được trầy xước, mối mọt cho gỗ. 

Laminate là nhựa tổng hợp giống như Melamine, dùng để phủ lên ván dán hoặc ván mịn như MDF. Laminate dày hơn Melamine, có độ bóng, chống trầy xước tốt hơn Melamine, thích hợp cho các không gian sang trọng. 

Veneer là lớp phủ được làm từ gỗ tự nhiên, được cắt thành từng tấm, dày khoảng 0,3 – 0,6mm. Gỗ phủ Veneer có thể tạo các đường cong cho sản phẩm, giống gỗ tự nhiên nhưng chi phí lại thấp hơn gỗ tự nhiên.